CV LÀ GÌ, CÁCH VIẾT CV CHUẨN!

“CV” là cụm từ bạn thường nhắc đến mỗi khi ứng tuyển và tuyển dụng một công việc nào đó. Nhưng bạn đã hiểu CV là gì chưa, và cách viết CV thế nào thì chuẩn?  Viết CV thế nào để gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng? Bài tổng hợp sau đây sẽ giúp bạn hiểu CV là gì và hướng dẫn chi tiết cách viết CV chuyên nghiệp là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

CV xin việc là gì?

CV là  viết tắt của cụm từ “Curriculum Vitae” dịch ra là sơ yếu lý lịch nhưng lại rất khác với tờ khai sơ yếu lý lịch trong bộ hồ sơ xin việc. Vậy CV là gì? CV xin việc là một bản tóm tắt thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc, hoạt động, giải thưởng, kỹ năng… ứng viên gửi cho Nhà tuyển dụng. CV là cơ sở chính để Nhà tuyển dụng chọn ứng viên bước vào vòng phỏng vấn. CV là bước đầu tiên mà ứng viên cần chuẩn bị khi tìm việc làm.

CV có vai trò gì khi ứng tuyển?

Đối với ứng viên

CV được coi là một trong những giấy tờ quan trọng giúp ứng viên ứng tuyển thành công vào công việc mong muốn. Bởi thông thường CV sẽ thể hiện khái quát và đầy đủ những thông tin cá nhân, kinh nghiệm và điểm mạnh – điểm yếu của ứng viên liên quan đến vị trí làm việc. Một bản CV cẩn thận và chính xác là cách để ứng viên giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng và tạo ấn tượng tích cực ngay từ đầu.

Đối với nhà tuyển dụng

Khi tuyển dụng một vị trí bất kỳ, nhà tuyển dụng nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển. Họ cần xem xét tất cả những hồ sơ này để lựa chọn ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và nguồn lực, các công ty thường không thể tìm hiểu chi tiết về từng ứng viên. Do đó, một bản CV giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về ứng viên và lựa chọn những ứng viên phù hợp nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian trong quá trình sàng lọc và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Viết CV như thế nào cho đúng chuẩn và ấn tượng?

Cách viết phần thông tin cá nhân

Bao gồm các thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ liên lạc. Các thông tin này sẽ giúp Nhà tuyển dụng dễ dàng liên hệ với ứng viên khi đạt yêu cầu.

Nên:

  • Địa chỉ email nghiêm túc, dùng thường xuyên.
  • Chèn ảnh phù hợp với vị trí ứng tuyển, nhìn thấy khuôn mặt trực diện.

Không nên:

  • Dùng email thiếu nghiêm túc. Ví dụ: agri123@gmail.com
  • Ảnh chỉ nhìn thấy một phần khuôn mặt hoặc quay mặt về phía sau, ảnh chỉnh sửa quá nhiều, ảnh đi kèm hiệu ứng.

Cách viết mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu nghề nghiệp là phần giới thiệu của ứng viên về những định hướng, mong muốn trên con đường phát triển sự nghiệp của bản thân ứng viên. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên biết lên kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp.

Nên:

  • Đề cập đến vị trí mong muốn ứng tuyển hoặc công ty ứng tuyển.
  • Có thể chia ra thành mục tiêu ngắn hạn như thành thạo công việc nào đó hoặc mục tiêu dài hạn như cơ hội thăng tiến đến một vị trí cụ thể trong một mốc thời gian cụ thể.
  • Mục tiêu hướng đến lợi ích công ty như tăng doanh số, mở rộng tập khách hàng.

Không nên:

  • Viết mục tiêu chung chung như mong muốn làm việc trong môi trường năng động, có thể học hỏi được nhiều kiến thức.
  • Sao chép mục tiêu nghề nghiệp của người khác thành mục tiêu của bản thân.

Cách viết phần học vấn

Tóm tắt ngắn gọn về quá trình học tập của bạn bao gồm thời điểm nhập học, tốt nghiệp, tên trường, chuyên ngành và thông tin mô tả thêm như điểm trung bình (GPA).

Nên:

  • Các đề án, nghiên cứu khoa học nếu có, ưu tiên những thành tích có nội dung liên quan đến vị trí ứng tuyển.
  • Các khoá học nâng cao kỹ năng, đào tạo nghiệp vụ.

Không nên:

  • Đưa quá trình học tập từ cấp 1, cấp 2.

Cách viết phần kinh nghiệm làm việc

Trình bày trong CV về quá trình làm việc của bạn đã trải qua như thế nào. Bạn đã từng làm việc công ty nào, đảm nhận vị trí nào, trách nhiệm chuyên môn là gì? Mô tả ngắn ngọn về công việc chính, súc tích nhưng đầy đủ. Đồng thời, đưa ra thành tựu và kỹ năng hoặc kinh nghiệm đạt được trong quá trình làm việc. Đây là phần quan trọng nhất trong một CV xin việc, bởi qua phần này thể hiện rõ được bạn có khả năng như thế nào và phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?

Nên:

  • Liệt kê theo thứ tự thời gian, công việc làm gần đây nhất nêu trước các công việc trước đó.
  • Đưa ra minh chứng cụ thể, hoặc số liệu xác thực ( ví dụ doanh thu tăng bao nhiêu %, kiếm về bao nhiêu khách hàng …).
  • Chọn lọc các công việc ghi trong CV, nên có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.

Không nên:

  • Nêu các công việc làm ngắn hạn (nhỏ hơn 6 tháng) ngoại trừ khoá thực tập.
  • Đưa quá chi tiết những công việc nhỏ nhặt như (in tờ rơi, pha trà, ….).
  • Mô tả dài dòng, không phân chia ý.

Các viết phần hoạt động ngoại khoá

Nếu bạn mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm để viết vào CV, thì mục hoạt động ngoại khoá càng quan trọng, bởi nó thể hiện sự năng động và tiềm năng của bạn như thế nào. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên năng nổ, nhiệt tình và giàu lòng nhân ái.

Nên:

  • Liệt kê các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện.
  • Nêu vai trò, trách nhiệm của bản thân trong các hoạt động đó.

Không nên:

  • Liệt kê các hoạt động giải trí cá nhân, theo sở thích.

Cách viết phần kỹ năng

Nhà tuyển dụng thường chú trọng xem xét và đánh giá các kỹ năng của ứng viên có phù hợp với vị trí mình ứng tuyển không hoặc thông qua các kỹ năng để đánh giá trình độ và khả năng có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không?

Nên:

  • Nhờ những người có uy tín, học vị hoặc cấp trên xác nhận thông tin giúp bạn.
  • Nêu đầy đủ thông tin người tham chiếu bao gồm: họ tên, email, số điện thoại.

Không nên:

  • Nêu thông tin không chính xác người tham chiếu.

* Lưu ý: bạn cũng nên tránh những sai sót không thể chấp nhận được như viết sai chính tả, trình bày sơ sài về mặt nội dung.

Cách viết CV cho người có kinh nghiệm

Đối với những người đã có kinh nghiệm, việc viết CV không còn quá khó khăn nhưng làm thế nào để trở nên nổi bật trong mắt Nhà tuyển dụng thì vẫn cần có những bí quyết riêng, bạn cần biết cách viết CV ấn tượng.

Tạo điểm nhấn từ những kỹ năng của bản thân

Người có kinh nghiệm thường đã thành thạo những kỹ năng cần thiết cho công việc. Bạn có đủ khả năng và hiểu biết để chọn lọc những kỹ năng cần thiết và đưa vào CV những kỹ năng mà bạn tự tin và thực hiện tốt nhất.

Những kỹ năng mà bạn có thể liệt kê trong CV của mình gồm có: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như một số kỹ năng cứng và kỹ năng mềm khác.

Những thành tích đạt được trong quá trình làm việc

Thành tích là một lợi thế của người có kinh nghiệm so với người mới vào nghề hoặc ra trường. Bạn đã trải qua một khoảng thời gian đủ dài để có những dấu mốc đáng kể trong sự nghiệp. Tuy vậy, hãy lưu ý chỉ đưa vào CV những thành tích nổi bật nhất để tránh CV dài dòng, thiếu trọng tâm. Ngoài ra, hãy ưu tiên những kỹ năng có liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển để Nhà tuyển dụng cân nhắc hơn nhé!

Mục tiêu nghề nghiệp

Cách viết CV ấn tượng là nhấn mạnh vào mục tiêu nghề nghiệp trong CV. Phần mục tiêu nghề nghiệp vừa là không gian để bạn thể hiện mong muốn và nguyện vọng của bản thân và công việc và môi trường làm việc tương lai, cũng như là nơi để bạn thể hiện cái nhìn của bản thân về con đường sự nghiệp lâu dài. Vì vây, ban có thể trình bày muc tiêu ngắn hạn trong 1-2 năm và mục tiêu dài hạn định hướng bản thân trong 5-7 năm tiếp theo đó.

Nên nhớ, mục tiêu nghề nghiệp không nên đặt quá thấp vì Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn không đủ ý chí và quyết tâm, nhưng cũng không nên đặt mục tiêu quá cao, vượt khỏi khả năng của bản thân.

Ví dụ về mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn cho vị trí Content Writer:

Mục tiêu ngắn hạn: Học được phương pháp thực hiện content B2B và B2C để thu thập leads hiệu quả, cũng như biết cách đo lường chỉ số cơ bản để cải thiện chất lượng content.

Mục tiêu dài hạn:  Nắm bắt các kỹ năng chuyên môn về sản xuất và đo lường hiệu quả content, quản lý đội nhóm sản xuất content, hướng tới trở thành Content Leader trong 2 năm tới và Content Manager trong 5 năm tới.

Cách viết CV cho sinh viên mới ra trường

Sinh viên mới ra trường có điểm yếu về kinh nghiệm và kỹ năng làm việc do chưa có thời gian “thực chiến” qua các công việc. Tuy nhiên, các bạn mới tốt nghiệp cũng có những ưu thế riêng mà nếu biết cách đưa vào CV, bạn hoàn toàn có thể trúng tuyển.

Hoạt động

Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể nhấn mạnh vào phần hoạt động để gây ấn tượng về một người năng động, nhiệt tình với Nhà tuyển dụng, tuy nhiên tránh tình trạng liệt kê lan man.

Sở thích

Thông qua phần này, nhà tuyển dụng biết thêm về tính cách của ứng viên. Nếu bạn thể hiện được tính cách, thái độ của mình thông qua các sở thích phù hợp với vị trí ứng tuyển, đây sẽ là một điểm cộng đối với người thiếu kinh nghiệm.

Ví dụ: Bạn tìm việc làm Nhân viên Marketing thì nhưng sở thích phù hợp là viết lách, đọc sách và tạp chí, tìm hiểu thông tin và nắm bắt xu hướng.

Cách viết CV xin việc part-time

Đối với người đi xin việc part-time, Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người có kinh nghiệm liên quan hoặc có kỹ năng và tiềm năng phù hợp. Vì thế, bạn cần lưu ý một số điểm sau khi viết CV xin việc part-time:

Đưa vào những công việc trong quá khứ có liên quan đến vị trí ứng tuyển, không liệt kê tất cả những công việc trong quá khứ.

Đưa ra các kỹ năng phù hợp với công việc.

Đối với công việc part-time, Nhà tuyển dụng sẽ mong muốn bạn là người thích ứng nhanh với công việc và làm việc năng suất hiệu quả do thời gian làm việc của bạn không nhiều.

Bí quyết để CV lọt vào “mắt xanh” Nhà tuyển dụngNói không với lỗi chính tả

Lỗi chính tả làm CV của bạn kém chuyên nghiệp thậm chí là thiếu tôn trọng vì Nhà  tuyển dụng sẽ cho rằng bạn quá cẩu thả và không xem trọng công việc đang ứng tuyển.

Tiêu đề và tên bản CV

Một lỗi cơ bản mà rất nhiều ứng viên mắc phải khi viết CV xin việc là thiếu tiêu đề CV, bạn cần có tên và vị trí ứng tuyển trong phần này. Tiêu đề CV không nên để quá dài những vẫn nên đảm bảo các thông tin về họ tên ứng viên, vị trí ứng tuyển.

Ví dụ: CV – Nhân viên kinh doanh Agriworks – Nguyễn Thu A

Khiêm tốn trong câu từ

CV là nơi “khoe” ra những điểm tốt đẹp của bản thân để thuyết phục Nhà tuyển dụng nhưng không ai ưa thích một người khoe mẽ, khoa trương. Vì vậy hãy “khoe” thật khéo léo và khiêm tốn trong câu từ, tránh dùng những từ nói quá như “Tối rất/vô cùng tự tin vào khả năng của mình”.

Nội dung liên kết, có dẫn chứng

Tính liên kết trong CV của bạn thể hiện ở việc tất cả những nội dung thông tin đều có liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển. Đồng thời, những thông tin đó cần có đầy đủ dẫn chứng, người tham chiếu để thuyết phục Nhà tuyển dụng. Một lưu ý cho các bạn ứng viên là đừng bao giờ đưa những thông tin không chính xác vào CV bởi Nhà tuyển dụng sẽ rất dễ dàng phát hiện chỉ với một vài câu hỏi đơn giản.

Hiện nay, CV là phần không thể thiếu của bất kì ai trong quá trình ứng tuyển và tìm việc làm. CV được coi là cánh cửa đầu tiên mà bạn phải vượt qua để tìm được công việc mơ ước. Vì vậy, dựa vào những hướng dẫn trên bạn nên đầu tư thời gian và công sức để có được bản CV thật ấn tượng và thuyết phục được những Nhà tuyển dụng khó tính.

Trên đây là bài tổng hợp về CV. Hi vọng hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn có công việc thật tốt nhé!!


Nguồn: Agriworks tổng hợp

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *