Bạn có quá nhiều việc phải làm trong một ngày, có nhiều dự định cho tương lai khiến bạn không thể lựa chọn hay sắp xếp được mọi thứ. Bạn cần giải quyết tất cả những vấn đề đó theo một quy trình tốt nhất bằng việc lập kế hoạch? Lập kế hoạch giúp cuộc sống trở nên có thứ tự hơn, giúp cho công việc được giải quyết theo mức độ từ quan trọng nhất đến bình thường. Là đó là một kỹ năng cần thiết với cuộc sống. Hãy cùng AgriWoarks tìm hiểu vai trò, phương pháp và quy trình lập kế hoạch nhé!
I. Kỹ năng lập kế hoạch là gì?
1. Khái niệm
Kỹ năng lập kế hoạch là kỹ năng sắp xếp mọi công việc theo mức độ gắn trong một khoảng thời gian nhất định. Kỹ năng này nhằm mục đích giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng kiểm soát được thời gian và hiệu quả công việc. Kỹ năng lập kế hoạch được xem là một trong những kỹ năng mềm cần thiết trong công việc và cuộc sống thường ngày.
Kế hoạch bao gồm các yếu tố sau:
- Mục tiêu: Xác định rõ ràng các mục tiêu cần đạt được trong một khoảng thời gian nhất định.
- Chiến lược: Đưa ra hướng đi và phương pháp để đạt được các mục tiêu đã xác định.
- Tác vụ và hoạt động: Liệt kê các công việc cụ thể và các bước thực hiện cần thiết để hoàn thành chiến lược.
- Phân công trách nhiệm: Xác định ai sẽ thực hiện từng tác vụ và hoạt động, cũng như mức độ trách nhiệm của mỗi người trong việc đạt được mục tiêu chung.
- Thời gian: Xác định thời gian bắt đầu và kết thúc của từng tác vụ, cũng như các mốc thời gian quan trọng liên quan đến mục tiêu chung.
- Nguồn lực: Xác định nguồn lực cần thiết (như tài chính, nhân lực, vật liệu) để hoàn thành các tác vụ và đạt được mục tiêu.
- Theo dõi và đánh giá: Đánh giá tiến độ và hiệu quả của kế hoạch, điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo mục tiêu được đạt được.
2. Lợi ích của kỹ năng lập kế hoạch
– Dễ dàng theo dõi và kiểm tra tiến độ công việc: Việc lập kế hoạch giúp bạn biết được những công việc mình đang làm và mức độ hoàn thành cho từng công việc. Từ đó mà việc theo dõi và kiểm tra cũng trở nên dễ dàng hơn.
– Tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có: Kỹ năng lập kế hoạch giúp doanh nghiệp phân bổ được nguồn nhân lực một cách hợp lý cho từng vị trí công việc. Điều này giúp tiết kiệm được khoảng chi phí, thời gian và tăng hiệu quả công việc.
– Nâng cao vị thế cạnh tranh so với các đối thủ: Trước khi vào bước lập kế hoạch sẽ trải qua giai đoạn phân tích. Tất cả những điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, cũng như của đối thủ được phân tích một cách kỹ càng. Từ đó, giúp bạn nhìn nhận ưu nhược điểm của bạn thân khách quan nhất cùng với kế hoạch sẽ được lập ra đánh vào điểm yếu đối thủ.
– Tạo động lực để đạt được mục tiêu mong muốn: Khi có kế hoạch mỗi ngày cụ thể, sẽ hạn chế được việc trì hoãn công việc. Do đó mà thúc đẩy bản thân làm việc nhiều hơn để đạt được mục tiêu.
– Phát triển bản thân theo đúng phương hướng đề ra: Khi đã vạch ra được kế hoạch dài hạn, bạn sẽ biết được những gì mình cần làm và đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm. Thông qua đó, bạn có thể hiểu rõ được bản thân và giúp chính mình phát triển đúng hướng.
– Quản lý thời gian hiệu quả: Kỹ năng lập kế hoạch giúp mọi người kiểm soát được mọi điều từ công việc lẫn cuộc sống. Thực hiện mọi thứ theo thứ tự quan trọng, như vậy kết quả mang lại sẽ tốt hơn.
– Cơ sở cho việc quản trị rủi ro: Việc sắp xếp được thời gian và công việc, những kế hoạch dự bị sẽ kịp thời phản ứng với những rủi ro trong công việc. Như vậy công việc sẽ không bị trì hoãn và vẫn giữ đúng mục tiêu đề ra.
– Bằng chứng đánh giá kết quả làm việc: Nhờ lập kế hoạch mà công việc trở nên cụ thể và rõ ràng. Như vậy, bạn có thể theo dõi được kết quả mỗi ngày có đúng như mục tiêu đề ra hay chưa và tăng tốc thay đổi kịp thời.
– Nâng cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ tổ chức: Trong công việc, bảng kế hoạch cho công việc có quy mô lớn và cần sự đóng góp ý kiến của mọi người. Do đó, để hoàn thành công việc của một nhóm, mọi người sẽ trao đổi đồng thời học hỏi được ở mọi người để có một bản kế hoạch phù hợp. Từ điều này có thể giúp mọi người nâng cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ tổ chức.
II. Các phương pháp lập kế hoạch
1.Phương pháp xác định nội dung công việc (5W1H2C5M)
+ Xác định 5W
– Why (Mục tiêu, yêu cầu công việc): Trước khi lập bản kế hoạch, bạn cần phải biết được mục tiêu mà bản thân muốn hướng đến. Để từ đó biết được ý nghĩa của công việc bạn dự định làm, nó mang lại được gì.
– What (Nội dung công việc): Bạn cần phải liệt kê những việc cần phải làm để đạt được mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, nên đi sâu vào mỗi vấn đề để bản kế hoạch được cụ thể hơn.
– Where (Địa điểm thực hiện công việc): Liệt kê đầy đủ những địa điểm sẽ thực hiện từng công việc. Địa điểm khi được đưa vào bản kế hoạch giúp bạn có thể chuẩn bị thật tốt về mọi mặt.
– When (Thời gian thực hiện công việc): Khi đã xác định được mục tiêu, thời gian dành cho mục tiêu ấy là điều cần thiết. Thời gian giúp công việc phân bổ hợp lý và dễ dàng quản lý.
– Who (Người chịu trách nhiệm): Khi đã có kế hoạch công việc, hãy phân công cho mọi người đảm nhiệm công việc đó. Kể cả bản kế hoạch cá nhân cũng cần liệt kê những người bạn cần sự hỗ trợ từ họ.
+ Xác định 1H
– How (Cách thức thực hiện): Đây là bước liệt kê những tài liệu, những công cụ hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch. Cần cụ thể để việc tìm kiếm hay thực hành hiệu quả hơn.
+ Xác định phương pháp với 2C
– Control (Phương pháp kiểm soát): Dựa vào tính chất công việc để biết được cần phải tập trung kiểm tra những công việc nào. Và lập ra bảng tiêu chuẩn đánh giá để dễ dàng đo lường được kết quả công việc.
– Check (Phương pháp kiểm tra): Xác định được công việc đó có cần kiểm tra mỗi ngày không và cần phải tập trung kiểm tra những nội dung nào. Liệt kê ra người chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra để tiết kiệm được thời gian.
+ Xác định nguồn lực với 5M
Đây được xem là mục tiêu chính của việc lập kế hoạch, bởi chỉ khi thỏa mãn được nguồn lực thì bản kế hoạch đó mới được xem là có tính khả thi. Nguồn lực được xác định dựa trên 5 yếu tố: nguồn nhân lực (man), tiền bạc (money), nguyên nhiên vật liệu (material), công nghệ (machine), cách thức làm việc (method).
2. Phương pháp sơ đồ mạng PERT
Sơ đồ PERT (tên viết tắt của Program Evaluation and Review Technique) là biểu đồ được sử dụng trong việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát các nhiệm vụ trong một dự án. Sơ đồ này phù hợp cho các dự án có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hoạt động.
Để thực hiện lập sơ đồ mạng PERT, cần có 4 yếu tố thiết yếu là sự kiện, công việc, thời gian dự trữ và đường găng. Biểu đồ này cho phép doanh nghiệp phân bổ nguồn lực phù hợp cho dự án, đảm bảo kế hoạch thực hiện đúng theo tiến độ.
Sơ đồ PERT cho phép đặt ra một chuỗi các công việc và liên kết chúng với nhau dựa trên các phụ thuộc thời gian. Nó giúp xác định thời gian tối thiểu cần thiết để hoàn thành một dự án, và giúp quản lý tiến độ của dự án bằng cách so sánh thực tế với kế hoạch ban đầu.
Sơ đồ PERT thường được biểu diễn dưới dạng một biểu đồ lược đồ, trong đó các công việc được đại diện bằng các hình oval hoặc hình chữ nhật, và các liên kết giữa chúng được đại diện bằng các mũi tên. Thời gian hoàn thành của mỗi công việc được xác định dựa trên ước tính của các chuyên gia hoặc thông qua kinh nghiệm thực tế.
Sơ đồ PERT giúp quản lý dự án đạt được tiến độ trong thời gian cần thiết bằng cách đưa ra một lịch trình thực hiện chi tiết và chính xác, và giúp định rõ trách nhiệm và vai trò của từng thành viên trong dự án.
3. Biểu đồ Gantt
Sơ đồ Gantt là một công cụ quản lý dự án thường được sử dụng để lập kế hoạch và theo dõi tiến độ của các hoạt động trong dự án. Nó bao gồm một biểu đồ dạng thanh hiển thị các hoạt động và thời gian cần thiết để hoàn thành chúng, giúp đảm bảo tiến độ của dự án và đưa ra các biện pháp điều chỉnh khi cần thiết để hoàn thành dự án đúng thời gian và chất lượng mong muốn.
Trong sơ đồ Gantt, mỗi công việc sẽ được đại diện bằng một thanh trượt dài, với thời gian bắt đầu và kết thúc của công việc được xác định rõ ràng. Những công việc có thời gian thực hiện ngắn sẽ được đặt phía trên, còn những công việc có thời gian thực hiện dài hơn sẽ được đặt phía dưới.
Sơ đồ Gantt còn cho phép xác định thứ tự các công việc, để đảm bảo rằng một công việc phải hoàn thành trước khi công việc tiếp theo được bắt đầu. Điều này giúp đảm bảo tiến độ của dự án và giảm thiểu thời gian chờ đợi giữa các công việc.
Bên cạnh đó, sơ đồ Gantt còn cho phép quản lý thời gian của các công việc, dự đoán thời gian hoàn thành của dự án và đưa ra các biện pháp điều chỉnh khi cần thiết. Nó cũng cho phép quản lý tiến độ của dự án bằng cách so sánh thực tế với kế hoạch ban đầu.
4. Phương pháp phân tích SWOT
Mô hình phân tích SWOT là mô hình phân tích chiến lược kinh doanh cho tất cả doanh nghiệp có quy mô từ lớn đến nhỏ. Phân tích SWOT dựa trên 4 yếu tố Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức) giúp nhận định được doanh nghiệp. Để từ đó đưa ra được những chiến lược phù hợp và những cách khắc phục những rủi ro và điểm yếu.
5. Phương pháp chuyên gia (Professional solution)
Doanh nghiệp hay người quản lý sẽ đưa ra quyết định dựa trên những ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao do những tập hợp ý kiến từ những chuyên gia. Họ là những người có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về thị trường.
6. Phương pháp Delphi
Phương pháp này cũng tham vấn những chuyên gia để đưa ra quyết định cuối cùng, tuy nhiên được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Có 3 nhóm chuyên gia thực hiện phân tích: những người ra quyết định, điều phối viên, các chuyên gia chuyên sâu. Mục đích cuối cùng của phương pháp này là đưa ra dự báo gần chính xác nhất cho tương lai.
7. Phân tích chi phí – lợi ích (CBA)
CBA là viết tắt của từ Cost – Benefit Analysis được sử dụng bởi các tổ chức nhà nước, chính phủ với mục đích phân tích kinh tế. Việc phân tích này đưa đến kết quả cuối cùng là phúc lợi cộng đồng có được tăng khi bỏ ra khoản chi phí tương đương hay không.
8. Phương pháp Kaizen
Kaizen là một phương pháp cải tiến liên tục trong lập kế hoạch. Nó được sử dụng để cải thiện chất lượng, hiệu suất và năng suất của một tổ chức bằng cách tập trung vào việc tối ưu hóa các quy trình và hoạt động.
Trong lập kế hoạch, phương pháp Kaizen có thể được áp dụng bằng cách xác định các vấn đề hoặc hạn chế trong kế hoạch hiện tại. Sau đó, các thành viên trong tổ chức sẽ tham gia vào quá trình phát triển và cải thiện kế hoạch theo cách liên tục.
Ý nghĩa của Kaizen tập trung vào sự đóng góp của tất cả các thành viên trong tổ chức để đạt được mục tiêu cải tiến liên tục. Nó yêu cầu sự cam kết và sự chủ động trong việc tìm kiếm các cải tiến, tối ưu hóa các quy trình và hoạt động, từ đó giúp cải thiện chất lượng và hiệu suất của tổ chức.
Phương pháp Kaizen cũng khuyến khích sự liên tục cập nhật và đánh giá quy trình và hoạt động trong kế hoạch. Việc này giúp các thành viên trong tổ chức có thể đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở thực tế và kinh nghiệm, từ đó đảm bảo rằng kế hoạch được thực hiện một cách hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra.
9. Phương pháp Agile
Agile là một phương pháp linh hoạt trong lập kế hoạch, giúp các nhà phát triển thích nghi với các yêu cầu mới, tạo ra một kế hoạch linh hoạt và thích ứng. Nó tập trung vào việc phát triển sản phẩm một cách liên tục và thường xuyên, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trong lập kế hoạch, phương pháp Agile thường được sử dụng để tạo ra một kế hoạch linh hoạt và thích ứng, giúp các nhà phát triển tăng cường sự linh hoạt trong việc thích nghi với những thay đổi và cập nhật kế hoạch khi cần thiết.
Phương pháp Agile thường áp dụng các phương thức như Sprint, Standup Meeting, Backlog, Retrospective,… để tạo ra các mục tiêu cụ thể và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Sprint là một khối thời gian được định nghĩa cụ thể để phát triển sản phẩm. Standup Meeting là một cuộc họp ngắn gọn hàng ngày để cập nhật tiến độ và đưa ra giải pháp cho các vấn đề gặp phải. Backlog là danh sách các công việc cần hoàn thành để đạt được mục tiêu, và Retrospective là cuộc họp đánh giá kết quả sau mỗi Sprint.
Phương pháp Agile tập trung vào việc phát triển sản phẩm một cách liên tục và thường xuyên, chia nhỏ công việc thành các Sprint để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các thành viên trong tổ chức cùng tham gia vào việc đưa ra quyết định và đóng góp ý kiến để cải thiện chất lượng và hiệu suất của sản phẩm.
IV. Quy trình lập kế hoạch hiệu quả nhất
1. Chia nhỏ kế hoạch theo ngày/ tuần/ quý/ năm
Một kế hoạch tổng thể bao gồm nhiều nhiệm vụ chồng chéo nhau. Do đó cần chia nhỏ các đầu việc và phân bổ thời gian theo ngày/ tuần/ quý/ năm tuỳ vào kế hoạch của mỗi người. Điều này đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng thời hạn đã đặt ra.
2. Xác định mục tiêu công việc
Trước khi lập bản kế hoạch cần phải xác định được mục tiêu muốn hướng tới. Việc này bao gồm cả phải dự đoán kết quả đạt được, thời gian cần thiết để hoàn thành và hậu quả nếu không hoàn thành được mục tiêu. Trong trường hợp có nhiều mục tiêu cùng lúc, cần phân biệt rõ ràng về mức độ quan trọng của mục tiêu và ưu tiên.
Kỹ năng lập kế hoạch đòi hỏi mỗi người cần:
- Xác định rõ ràng mục tiêu phù hợp để hướng tới.
- Phân chia mục tiêu lớn bằng các mục tiêu nhỏ ngắn hạn
- Biết những điều kiện cần và đủ để thực hiện được mục tiêu.
Tham khảo mô hình SMART để xác định mục tiêu một cách rõ ràng, khách quan và phù hợp nhất:
- S – Specific – Mục tiêu đặt ra phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết.
- M – Measurable – Mục tiêu có thể đo lường bằng những con số.
- A – Achievable – Mục tiêu phải có tính khả thi, không xa rời, phi thực tế.
- R – Realistic – Đảm bảo có đủ điều kiện thực tế để thực hiện mục tiêu.
- T – Time bound – Đặt ra thời hạn cụ thể để đạt được mục tiêu.
3. Liệt kê những công việc cần phải làm
Sau khi đã có được mục tiêu, chắc chắn bạn đã biết mình cần làm gì. Đây là lúc liệt kê những công việc bắt buộc phải làm cho từng giai đoạn từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, bao gồm những công việc nhỏ nhất và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
4. Phân loại công việc cụ thể
Có 4 loại công việc xuất hiện trong bản kế hoạch:
– Công việc quan trọng và khẩn cấp.
– Công việc không quan trọng nhưng khẩn cấp.
– Công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp.
– Công việc không quan trọng và không khẩn cấp.
Bên cạnh đó là xác định thời gian cho từng nhóm công việc. Bạn cần phải biết rõ được tính chất cụ thể từng công việc để sắp xếp, phân bổ hợp lý. Nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành hiệu quả và tránh làm mất nhiều thời gian của toàn đội/nhóm.
5. Sắp xếp các công việc theo vị trí ưu tiên
Sau khi đã phân loại công việc vào 4 nhóm, những công việc còn lại sẽ có thể loại bỏ nếu không cần thiết để tránh làm mất thời gian. Việc sắp xếp này giúp cho những giai đoạn chủ chốt được hoàn thành một cách có hiệu quả và nhanh chóng nhất.
6. Xác định thời gian dự kiến hoàn thành
Việc đặt ra thời gian giúp thúc đẩy tiến độ công việc và tinh thần trách nhiệm của mọi người. Cần phải tính toán để đưa ra được khoảng thời gian hợp lý, phù hợp với năng lực mọi người. Có như vậy, công việc mới có thể được thực hiện hiệu quả và trôi chảy hơn.
7. Tập trung thực hiện kế hoạch
Bất kỳ công việc, dù thuộc nhóm nào trong 4 nhóm cũng cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và thật tập trung. Tập trung không có nghĩa là chỉ chú ý và dành cho chúng quá nhiều thời gian. Mà là các thành viên hoặc những người có trách nhiệm cần loại bỏ các yếu tố có thể gây xao lãng, và bằng mọi cách quyết tâm hoàn thành công việc nhanh nhất mà vẫn đảm bảo được chất lượng.
8. Linh hoạt trong quá trình thực hiện
Trong quá trình thực hiện bản kế hoạch, đối thủ hay thị trường sẽ có nhiều thứ liên tục được thay đổi và nâng cấp lên mỗi ngày. Và để cho bản kế hoạch thật thành công, bạn cần phải liệt kê những phương án dự trù, thay thế kịp thời để không bị trì hoãn công việc. Đồng thời không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức mỗi ngày để đi theo với sự phát triển chung của xã hội.
9. Kiểm tra quá trình thực hiện kế hoạch
Luôn theo dõi, kiểm soát bản thân mỗi ngày để biết được tiến độ công việc của bản thân và mọi người. Đồng thời, bạn cũng cần cập nhật những điều mới để áp dụng vào việc hỗ trợ cho công việc của mình. Như thế, bạn sẽ có thể khắc phục được mọi việc ngay lập tức và hoàn thiện bản kế hoạch đúng thời điểm.
V. Sai lầm cần phải tránh khi lập kế hoạch
– Kế hoạch phi thực tế, vượt quá khả năng: Kế hoạch được đặt ra quá xa khả năng hiện có, điều này làm cho nhân viên và chính bản thân bạn không có động lực. Sự cố gắng mỗi ngày không được công nhận sẽ làm bản thân trở nên chán nản và có mong muốn từ bỏ. Do đó, hãy đặt những mục tiêu cao nhưng có tính thực tế.
– Mục tiêu công việc thiếu rõ ràng, nhất quán: Việc đặt mục tiêu thiếu rõ ràng dẫn đến việc phân bố nguồn lực cũng bị ảnh hưởng. Một người phải làm nhiều việc thuộc nhiều chuyên môn khác nhau sẽ bị giảm đi độ tập trung. Do đó, kế hoạch càng rõ ràng, cụ thể thì khả năng hoàn thành công việc càng cao và hiệu quả.
– Coi nhẹ việc lên kế hoạch chi tiết, cụ thể: Việc không đề ra được bản kế hoạch chi tiết sẽ làm cho quá trình thực hiện trở nên khó khăn hơn. Mọi người và kể cả bản thân bạn dễ dàng rơi vào trạng thái “hoang mang” trong quá trình giải quyết những công việc.
– Chỉ để ý kết quả mà quên tập trung vào quá trình: Kế hoạch đặt ra hướng đến mục đích cuối cùng. Nhưng để đạt được mục đích cuối cùng đó thì cần phải có quá trình thực hiện – đây là yếu tố quyết định kế hoạch có thành công hay không.
– Không có phương án dự phòng: Với một bản kế hoạch dài hạn, việc gặp những khó khăn hay tác động bên ngoài là điều không thể tránh khỏi. Do đó, hãy luôn đề ra một vài phương án dự phòng để kịp thời thay thế và không làm trì hoãn công việc.
VI. Cách cải thiện kỹ năng lập kế hoạch
– Ưu tiên các nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng: Khi bạn sắp xếp, phân loại được tính chất và mức độ quan trọng của công việc tức là bạn giải mã được gần hết được bản kế hoạch. Và dựa vào những phân tích đó, tập trung thực hiện những công việc nào mà bạn cho là cấp thiết, quan trọng nhất.
– Xây dựng kế hoạch mang tính khách quan: Dựa vào khả năng của bản thân, mà bạn nên lập một bản kế hoạch cao hơn khả năng một chút nhằm phát huy năng lực cá nhân hết mức có thể. Những bước đi vững chắc, từ tốn và không đặt quá nhiều mục tiêu tham lam sẽ góp phần mang đến thành công cho bản kế hoạch.
– Đảm bảo tính dân chủ khi lập kế hoạch: Khi lập kế hoạch là lúc cần rất nhiều ý kiến góp ý của mọi người để có bản kế hoạch hoàn chỉnh. Do đó, hãy tiếp nhận ý kiến mọi người và có sự chắt lọc phù hợp. Tuyệt đối cần tránh tình trạng chỉ tập trung ý kiến vào một người.
– Hướng mọi người theo đuổi cùng một mục tiêu: Để bản kế hoạch diễn ra theo đúng dự định, bạn hoặc người lãnh đạo cần phải theo dõi sát sao mọi người làm việc. Vạch ra mục tiêu cho mỗi cá thể và kết quả mà họ sẽ nhận được sau khi hoàn thành. Điều này giúp mọi người có động lực làm việc và cống hiến hơn.
– Tạo danh sách công việc hàng ngày, hàng tuần: Quá trình liệt kê chi tiết công việc sẽ bao gồm công việc cho mỗi ngày và mục tiêu cần phải hoàn thành cho mỗi tuần. Như thế người giám sát dễ dàng theo dõi và chỉnh sửa nếu có sai sót.
– Đặt ra các câu hỏi cụ thể: Khi tự đặt và trả lời được những câu hỏi cụ thể, bạn sẽ dễ dàng giải quyết được những khó khăn nếu có vô tình gặp phải. Vì bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý và biết được những gì mình cần phải làm.
AgriWorks hy vọng bài tổng hợp này giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng và một số phương pháp cho việc lập kế hoạch. Đừng quên để lại bình luận và chia sẻ bài viết này nhé. Chúc các bạn thành công!!
Nguồn: AgriWorks tổng hợp